Chính trị Chiến tranh Lạnh (1945 - 1985) Cộng_hòa_Nhân_dân_Mông_Cổ

Được bảo đảm đảo trong quan hệ với Liên Xô, chính phủ Mông Cổ chuyển sang phát triển hậu chiến, tập trung vào các hoạt động dân sự. Mông Cổ vào thời gian này là một trong số các nước cô lập nhất thế giới, hầu như không có liên lạc với bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Liên Xô. Sau chiến tranh, các mối quan hệ quốc tế được mở rộng, Mông Cổ thiết lập quan hệ với Bắc Triều Tiên và các nước cộng sản mới ở Đông Âu. Mông Cổ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công nhận lẫn nhau vào năm 1949, và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ bỏ tất cả chủ quyền tại Ngoại Mông. Tuy nhiên, cá nhân Mao Trạch Đông vẫn hy vọng tái hợp nhất Mông Cổ vào Trung Quốc. Ông nếu ra vấn đề này trước nhà lãnh đạo Liên Xô sớm nhất là năm 1949 (trong buổi gặp gỡ với Anastas Mikoyan), và sau đó, Stalin đã kiến quyết từ chối điều này. Năm 1956, theo sau tố cáo Stalin của Nikita Khrushchev, các lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng trình bày rằng sự độc lập của Mông Cổ là một trong những sai lầm của Stalin trong buổi gặp với Mikoyan. Phản ứng của Liên Xô là người Mông Cổ được tự do quyết định số phận của mình.[5]

Năm 1952, Choibalsan mất tại Moskva, nơi ông trải qua điều trị ung thư. Người thay ông giữ chức Tổng bí thư Đảng là Yumjaagin Tsedenbal. Không như người tiền nhiệm, Tsedenbal hăng hái trong việc hợp nhất Mông Cổ thành một nước cộng hòa thành phần của Liên Xô. Ý tưởng này đã vấp phải sự phản đối dữ đội từ các thành viên khác trong Đảng và bị bãi bỏ.

Trong những năm 1950, quan hệ giữa Mông Cổ và Trung Quốc được cải thiện đáng kể. Trung Quốc cung cấp viện trợ kinh tế đang rất cần thiết, xây dựng toàn bộ ngành công nghiệp tại Ulaanbaatar, cũng như các khối nhà cho cán bộ. Hàng nghìn người Trung Quốc đã tham gia vào các dự án này cho đến khi Trung Quốc rút lui sau năm 1962 trong một nỗ lực để gây áp lực Mông Cổ phá vỡ mối quan hệ với Liên Xô vào thời điểm quan hệ Trung-Xô xấu đi.

Sau khi bắt đầu tranh chấp Trung-Xô, Mông Cổ trong một thời gian ngắn đã lưỡng lự, những ngay sau đó đã mạnh mẽ ủng hộ Liên Xô, trở thành một trong các nước XHCN đầu tiên tán thành lập trường của Liên Xô trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc. Các căn cứ quân sự trên biên giới Trung-Mông bắt đầu được xây dựng từ năm 1963; vào tháng 12 năm 1965 Bộ chính trị Mông Cổ yêu cầu Liên Xô đến đóng quân tại các căn cứ ở Mông Cổ. Vào tháng 1 năm 1966, với chuyến thăm của Leonid Brezhnev đến Mông Cổ, hai nước đã ký kết hiệp ước tương trợ lẫn nhau, mở đường cho sự hiện diện quận sự của Liên Xô tại Mông Cổ. Vào tháng 2 năm 1967, sau những tuần quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn, Moskva đã chính thức thông qua việc đóng quân ở Mông Cổ.

Với sự khuyến khích của Liên Xô, Mông Cổ gia tăng sự tham gia trong các hội nghị cộng sản và tổ chức quốc tế. Điều này được thực hiện với một số khó khăn nhất định do Mông Cổ được cộng đồng quốc tế nhìn nhận rộng rãi là một phần phụ thuộc Liên Xô hơn là một quốc gia độc lập. Năm 1955, Mông Cổ cố gắng gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhưng yêu cầu bị Trung Hoa Dân Quốc phủ quyết. Nhà nước này sau chiến tranh Thế giới thứ hai đã tái tuyên bố chủ quyền với Mông Cổ. Mông Cổ trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc vào năm 1961 sau khi Liên Xô đe dọa phủ quyết việc gia nhập của tất cả các quốc gia mới độc lập tại châu Phi nếu Trung Hoa Dân Quốc vẫn dùng quyền phủ quyết. Quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ không được thiết lập cho đến cuối Chiến tranh Lạnh. Mông Cổ trở thành nơi ganh đua giữa Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1960, 1970 và 1980 vì sự hiện diện vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Bắt đầu những năm 1980, Tsedenbal trở nên ngày càng độc đoán và thất thường. Sau một loạt các thanh trừng trong đảng, ông bị trục xuất khỏi văn phòng vào tháng 8 năm 1984 với lý do tuổi già và không đủ khả năng trí tuệ. Việc loại bỏ Tsedenbal có được sự ủng hộ từ Liên Xô, và ông nghỉ hưu tại Moskva cho đến khi chết vì bệnh ung thư vào năm 1991. Jambyn Batmönkh trở thành Tổng bí thư và nhiệt thành lao vào những cải cách tương tự như Gorbachev đã thực hiện ở Liên Xô.